NEWS
TIN TỨC - THÔNG TIN

Nhiều trẻ sơ sinh tử vong vì sơ cứu ban đầu không tốt

Thứ năm, 27/03/2009, 08:12 GMT+7

àdf
Chữa nghẹn cho trẻ hơn 1 tuổi. Ảnh: Dailymai.

"Tỷ lệ trẻ tử vong trước 24 giờ còn cao, và hầu như không thay đổi trong nhiều năm. Một phần vì trình độ của cán bộ y tế cấp cứu còn thấp, có người không lấy nổi ven, không mở được khí quản...", Tiến sĩ Lê Thanh Hải, Phó giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương, cho biết.
> Các cách sơ cứu cho trẻ em /Cách sơ cứu một số tai nạn hay gặp ở trẻ

Thông tin trên được ông Hải đưa ra trong hội nghị Cấp cứu, hồi sức nhi khoa toàn quốc lần thứ nhất diễn ra sáng nay tại Hà Nội.

Theo kết quả khảo sát ban đầu hệ thống cấp cứu nhi toàn quốc năm 2008, bệnh gây tử vong nhiều nhất ở các bệnh viện đa khoa tuyến tỉnh là hô hấp, chiếm 66%, sau đó là bệnh về nhiễm khuẩn, tiêu chảy.

Theo ông Hải, lý do chủ yếu là vì trình độ của bác sĩ tuyến cơ sở, tuyến dưới còn nhiều hạn chế. Nhiều người vì thiếu kỹ năng và kiến thức về cấp cứu nên chẩn đoán, xử lý ban đầu không đúng, đặc biệt là các tai nạn đuối nước, điện giật...

Bên cạnh đó còn phải kể đến việc vận chuyển bệnh nhân không an toàn. Tiêu chí để vận chuyển an toàn là ổn định tình trạng bệnh nhân trước khi chuyển, liên lạc với nơi định chuyển để có trang thiết bị đầy đủ, và cán bộ y tế cần có kỹ năng cấp cứu ngay trên đường vận chuyển.

"Vì thế có những bệnh nhân nặng từ gia đình đưa lên hoặc có qua cấp cứu nhưng vì chưa tuân thủ theo 3 yếu tố cấu thành an toàn mà tử vong ngay trên đường. Với trẻ sơ sinh mới đẻ còn yếu thì có thể bị sốc nếu vận chuyển không an toàn", ông Hải nói.

Tiến sĩ Vũ Văn Đính, Chủ tịch Hội Hồi sức cấp cứu Việt Nam cũng cho biết thêm, vấn đề đầu tư trang thiết bị tuyến dưới vẫn còn yếu. Nhiều bệnh viện tuyến tỉnh trở xuống chưa có khoa cấp cứu, hồi sức nhi riêng biệt mà vẫn lồng trong hoạt động chung của khoa nhi, hiệu quả chưa cao.

Ngay cả ở Bệnh viện nhi Trung ương, khoa Cấp cứu nhi cũng không có máy thở (trong khi cả bệnh viện có 61 máy), không có máy tạo nhịp, điện tim, siêu âm, XQ tại giường. Cả bệnh viện đa khoa Thái Bình cũng chỉ có 1 máy thở, 1 máy tiêm, 1 máy XQ.

Theo tiến sĩ Hải, trong thời gian tới để khắc phục tình trạng trên, một mặt các bệnh viện phải đầu tư nâng cấp trang thiết bị, nâng cao kiến thức, kỹ năng của bác sĩ cấp cứu hồi sức nhi khoa. Bên cạnh đó cha mẹ, cô nuôi dạy trẻ, thầy cô giáo ở trường học... cũng cần được hướng dẫn để có những kỹ năng sơ cứu ban đầu.

"Việc này có thể góp phần cứu sống, giảm diễn biến nặng cho trẻ trong rất nhiều trường hợp, tránh được những cái chết oan uổng", ông Hải nói.

Nam Phương


Người viết : VNExpress BOT